Làm gì cũng bỏ dở giữa chừng nhưng nhờ 1 việc làm của vợ, sự nghiệp của người chồng lên như diều gặp gió

Người vợ đã làm gì mà có thể giúp người chồng trẻ bỏ dở giữa chừng hết việc này đến việc khác lại có thể trở thành người giàu có đến vậy?

Niềm tin

Có một chàng trai nọ sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng không đỗ đại học nên đã kết hôn sớm. Sau khi kết hôn, anh xin đi dạy học trong thôn.

Nhưng vì không có kinh nghiệm nên chưa được một tuần, anh ta đã bỏ việc không làm nữa.

Trở về nhà, người vợ lau nước mắt cho anh ta và an ủi rằng đừng quá buồn bởi có thể sẽ còn việc phù hợp hơn đợi anh làm.

Về sau, người này ra ngoài làm thuê. Vì chậm chạm nên lại bị ông chủ cho nghỉ việc. Vợ anh ta lại an ủi: Tay chân có người nhanh người chậm, người khác làm việc đã nhiều năm, anh chỉ lo học hành, làm sao nhanh được.

Chàng trai lại tìm việc và trải qua nhiều việc khác nhau nhưng hầu như đều đứt gánh giữa đường. Vậy nhưng mỗi lần rầu rĩ trở về nhà, vợ anh ta đều an ủi chồng, chưa bao giờ oán trách.

Năm ngoài 30 tuổi, với một chút khả năng bẩm sinh, anh ta trở thành một nhân viên hướng dẫn trong trường câm điếc.

Về sau, anh ta còn mở thêm một ngôi trường dành cho người tàn tật trước khi mở một loạt cửa hàng cung cấp đồ dùng đặc biệt dành cho người câm điếc. Và cuối cùng, người đàn ông này đã trở thành một ông chủ sở hữu rất nhiều tiền bạc.

Một hôm, anh ta hỏi vợ, khi bản thân anh ta còn cảm thấy tiền đồ vô cùng mù mịt, tại sao cô lại có niềm tin vào chồng như vậy?

Người vợ trả lời rất đơn giản. Cô nói: Một mảnh đất, có thể không phù hợp để trồng lúa mạch, có thể thử trồng đậu; đậu không lớn được, vậy hãy thử trồng dưa; nếu dưa cũng không được thì thử mạch ba góc. Một mảnh đất, kiểu gì cũng sẽ có hạt giống phù hợp. Nghe vợ nói vậy, người đàn ông rơi nước mắt.

Niềm tin và tình yêu của người vợ giống như hạt giống kiên trì, sự thành công của anh ta là kỳ tích mà hạt giống đó nảy mầm, sinh sôi nảy nở và tạo ra.

Khích lệ

Lần đầu tiên họp phụ huynh cho con, cô giáo mầm non nói với người mẹ: “Con trai chị có bệnh tăng động, cháu không ngồi yên trên ghế được 3 phút.”

Trên đường trở về nhà, con trai hỏi mẹ cô giáo đã nói gì. Người mẹ nói với con trai: “Cô giáo nói con trai mẹ trước đây không ngồi trên ghế được một phút, giờ con đã ngồi được 3 phút rồi, con có tiến bộ.”

Tối hôm đó, cậu bé ăn hẳn 2 bát cơm mà không cần mẹ bón.

Không lâu sau, cậu bé vào tiểu học. Đi họp phụ huynh cho con, cô giáo nói: “Cả lớp có 50 em, trong lần kiểm tra toán này, con chị xếp thứ 48, có thể con có một chút vấn đề về trí tuệ.”

Trở về nhà, cô nói với con: “Cô giáo nói chỉ cần con chú ý một chút, con sẽ xếp trước 48 bạn.”

Nghe mẹ nói vậy, ánh mắt cậu bé lóe sáng, gương mặt ủ rũ bỗng giãn ra. Ngày hôm sau đi học, cậu đi sớm hơn hẳn ngày thường.

Khi con lên cấp hai, người phụ nữ vẫn không tránh được những buổi họp phụ huynh. Trước khi về, giáo viên nói với chị: “Theo kết quả học tập hiện nay của con, việc thi vào trung học phổ thông sẽ hơi khó một chút.”

Trên đường về, chị xoa vai con và nói: “Cô giáo nói, chỉ cần con nỗ lực hơn nữa, rất có hy vọng là con sẽ đỗ vào trường công lập.”

Rồi cũng đến ngày cậu bé tốt nghiệp trung học phổ thông. Đến khi trường đại học có thông báo kết quả thi, cậu bé từ trường trở về, mang theo giấy thông báo trúng tuyển một trường đại học danh tiếng đưa cho mẹ, nước mắt rưng rưng: “Mẹ, con không phải là một đứa trẻ thông minh nhưng mẹ luôn ở bên cạnh cổ vũ, động viên, ghi nhận con.”

Lúc đó, người mẹ đã ôm con thật chặt, những giọt nước mắt lẫn lộn vui buồn lăn dài trên má.

“Một lời nói hay sưởi ấm ba đông, nửa lời ác nghiệt lạnh sáu tháng ròng.” Một lời an ủi động viên sẽ giúp người khác có thêm động lực, niềm tin, hướng đến những điều tích cực.

Một lời cổ vũ khích lệ có thể thay đổi được cả quan niệm và hành vi của người khác, từ đó có thể thay đổi cả vận mệnh, số phận của con người.

Theo CafeBiz