Tọa đàm xới lại chuyện cách tân áo dài

Cân bằng tính “triết học âm – dương”, sáng tạo tà áo truyền thống nhưng vẫn tuân thủ sự kín đáo là cách giữ nét quyến rũ của áo dài.

Triển lãm áo dài của gia đình cố Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên / Sĩ Hoàng chấp nhận khó khăn để duy trì Bảo tàng Áo dài

Tọa đàm về “Kỹ thuật cắt may và trang trí áo dài” diễn ra ngày 26/7 tại TP HCM, thu hút hơn 50 người tham gia, trong đó có nhiều chuyên gia, như: nhà thiết kế Sĩ Hoàng, nhà thiết kế Nguyễn Đình Hải, Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Thuận, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hà Minh Hồng, bà Huỳnh Hồng Vân – quản lý và cố vấn chuyên môn Bảo tàng áo dài…


Bà Vi Kim Ngọc và chồng – cố Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên – trong đám cưới năm 1936. Đều theo Tây học, cả hai luôn giữ trọn nếp văn hóa truyền thống khi thích mặc áo dài trong nhiều dịp. Ảnh tư liệu.

Chuyện cách tân áo dài được bàn luận sôi nổi ở tọa đàm. Trong làng thời trang hiện tạicó rất nhiều thiết kế, cách may và kiểu dáng khác nhau cho áo dài, từ quần phi suông áo dài chuyển sang mặc với chân váy, quần jeans, quần ống bó. Áo dài có cổ, cổ thuyền, cổ vuông, đến những đường cắt táo bạo trên thân. Bên cạnh những sáng tạo tích cực, đa dạng và mang tính thẩm mỹ, nhiều ý kiến cho rằng việc định hướng áo dài cải biên chưa được quan tâm đầy đủ, kéo theo nhiều biến tướng trong thiết kế và sử dụng trang phục này. Ông Trần Thuận chia sẻ: “Áo dài của người phụ nữ có ‘tam giác vàng’, là điểm từ phần xẻ tà của áo đến lưng quần. Áo dài hiện thời, phần xẻ tà ngày càng cao, lưng quần ngày càng thấp vừa mất sự duyên dáng của người phụ nữ vừa gây phản cảm với người đối diện”.

Nhiều ý kiến nhận xét việc cách tân quá đà làm mất vẻ đẹp và nét quyến rũ riêng của áo dài, không chỉ làm biến dạng một trang phục mà còn khiến bản sắc của áo dài bị mai một theo năm tháng, bị trộn lẫn vào các loại hình thời trang khác. “Dù được thay đổi thế nào, các phom dáng chuẩn, các kỹ thuật may đo nền tảng và nhất là nét kín đáo kết hợp hài hòa với sự phóng khoáng ở áo dài nói chung, áo dài nữ nói riêng luôn cần được giữ gìn”, bà Huỳnh Hồng Vân nói.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng trình bày về quá trình cảm nhận tính “triết học âm dương”, là một trong những yếu tố khiến tà áo này mang nét quyến rũ đặc trưng. “Áo dài được sử dụng cho cả nam (dương) và nữ (âm), có hai phần thân trên (dương) và thân dưới (âm), những nét may là đường thẳng (dương) nhưng khi mặc lại mềm mại, uốn lượn theo thân người (âm),.. Tất cả các bước thiết kế và sử dụng áo dài đều cân bằng trong triết lý này”, nhà thiết kế nói.


Một mẫu áo dài được trưng bày tại tọa đàm.

Ngoài ra, tọa đàm cũng bàn về các chủ đề như: “Cắt may áo dài góc nhìn lịch sử”, “Triết học âm dương trong áo dài Việt Nam”, “Thợ may áo dài – những cống hiến âm thầm”, “Chọn lựa áo dài theo dáng người”.

Qua nhiều thế kỷ, nghề may áo dài, thêu, vẽ, kết cườm, trang trí áo dài đóng góp rất nhiều trong quá trình bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, các nghệ nhân, thợ may, thợ thêu, họa sĩ, nhà thiết kế áo dài chưa nhận được đánh giá xứng tầm. Nhiều thợ may đã 100 tuổi, gia đình bốn đời làm nghề may áo dài nhưng không có cơ hội được phong danh hiệu nghệ nhân.

Câu chuyện về các làng nghề may áo dài được kể lại với sự trân trọng dành cho những người dành cả đời nâng niu tà áo Việt. Bà Huỳnh Hồng Vân cho biết: “Chúng tôi đã ra Hà Nội, tìm hết những tên tuổi trong nghề may áo dài còn lại, xin họ thực hiện những sản phẩm giống như kiểu may ‘quan huyện’ ngày xưa. Không chỉ may áo dài trong nước, những cụ ông cụ bà gần 100 tuổi còn thường xuyên nhận may cho người nước ngoài. Khách chỉ cần gửi số đo qua Internet, khoảng một tuần áo dài sẽ được chuyển đến tận nơi. Họ đã giữ ‘lửa’ cho trang phục truyền thống dân tộc”.

Ban tổ chức cho biết những tham luận, chia sẻ trong tọa đàm sẽ được lưu thành văn bản và giữ tại Bảo tàng Áo dài (quận 9, TP HCM) làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu.

Theovnexpress.net