Bí kíp cân bằng của bà mẹ đơn thân sau “Tai nạn” sức khỏe liên hoàn.

Là một doanh nhân làm việc trong ngành y tế hơn 12 năm, chị N.T.A.N luôn có ý thức giữ gìn và tầm soát sức khoẻ 6 thánglần. Thế nên, khi nhận kết quả ung thư, chị vô cùng bấn loạn.

Mỗi năm tầm soát khám sức khoẻ 2 lần, luôn chủ động tầm soát chuyên sâu mỗi khi cảm thấy không ổn, thế nên, khi nhập viện cấp cứu vì đợt làm việc quá sức vào tháng 1 năm 2023, chị Nguyệt hiểu rõ mình đã mất cân bằng trong công việc và cuộc sống.

Một lần xử lý xuất huyết ổ bụng và hai lần phẫu thuật mổ hở phát hiện Ung thư hiếm gặp

Vốn biết cơ địa mình thiếu máu do có khối u xơ tử cung lành tính cần theo dõi, nên chị Nguyệt thường xuyên quan sát và kỹ lưỡng kiểm soát với chế độ ăn uống của mình. Mọi thứ vẫn ổn, cơ thể chị vẫn giữ cân ở mức bình thường mặc dù chị thiếu máu và huyết áp thấp; thường hay choáng váng mỗi khi đứng lên ngồi xuống quá đột ngột. Trong đợt làm việc cuối năm dồn dập, chị tập trung quá sức và sau khi hoàn thành phần việc cuối cùng vào ngày 26 Tết, chị cảm thấy bụng đau dữ dội đến mức không ngồi được, vội kêu xe vào Cấp cứu tại BV thì mới biết mình bị xuất huyết ổ bụng – một trong những xuất huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

“Tôi ý thức rằng mình đã mất cân bằng vì áp lực công việc và cuộc sống quá lớn. May mắn làm việc trong ngành Y và được các bác sĩ cứu chữa kịp thời…” – chị Nguyệt tâm sự.

Sau khi quyết định mổ hở để bóc u xơ thường quy theo chỉ định của bác sĩ do tình trạng xuất huyết ổ bụng cho thấy có mảng lạc nội mạc lẫn khối u xơ quá lớn đã 3x6cm chèn ép gây móp bàng quang, chị Nguyệt cảm thấy yên tâm nghĩ rằng mình đã trút được gánh nặng bấy lâu nay chần chừ không giải quyết vì sợ mổ xẻ.

Thế nhưng, kết quả giải phẫu bệnh cắt ngang thân khối u khiến chị bàng hoàng: chị mắc căn bệnh K sarcoma cơ trơn tử cung dạng hiếm gặp. Theo y văn, đây là một trong những chứng bệnh ung thư dạng hiếm chiếm khoảng 0,03% dạng ung thư cơ trơn tử cung trên thế giới và chỉ được phát hiện tình cờ qua mổ bóc u xơ thường quy. Vì thế, trước khi tiến hành phẫu thuật mổ bóc u xơ tử cung, dù đã cẩn thận làm bộ xét nghiệm marker ung thư, kết quả của chị vẫn là bình thường!

Lại một lần nữa, sau 3 tuần kết thúc ca mổ cũ, chị Nguyệt được tiến hành phẫu thuật mổ bóc tách bỏ toàn bộ tử cung, cổ tử cung và phần phụ (buồng trứng), nạo vét các tế bào nghi ngờ xung quanh ổ bụng. Ca phẫu thuật do Trưởng khoa Ngoại 2 BV Ung Bướu TpHCM – BS CKII Nguyễn Văn Tiến – một tay “đại đao” về ung thư phụ khoa của Thành phố thực hiện.

Sau ca phẫu thuật thành công, chị bước vào giai đoạn điều trị phục hồi bằng các biện pháp hỗ trợ từ châm cứu, nắn chỉnh Đông y, và quan trọng nhất là một chế độ ăn uống, tập luyện dưỡng sinh phù hợp cho người hai lần phẫu thuật trong một tháng.

Phục hồi sức khoẻ ở mức cao nhất nhờ bật công tắc “cân bằng” cho tinh thần

Sau 6 tháng kể từ ngày kết thúc cuộc phẫu thuật ung thư lần hai, những tưởng mọi “tai nạn” đã qua đi, chị Nguyệt lại một lần nữa thảng thốt đối diện với những dấu hiệu của một người mãn kinh “bất thình lình”.

Ở độ tuổi 40, sau 2 lần đặt sonde tiểu và bị bí tiểu trong quá trình hậu phẫu, nên chị thường xuyên bị ức chế tâm lý và dễ bị viêm nhiễm hơn, cộng thêm việc nhiệt độ trong người lúc nóng lúc lạnh và việc tăng cân đều đều mỗi tháng 1 kg khiến chị rơi vào trạng thái trầm cảm nhẹ, vui buồn thất thường, mệt mỏi, cáu gắt, rối loạn giấc ngủ… và tự cô lập bản thân không giao tiếp với ai, kể cả con trai ở chung nhà. “Có những ngày tôi bỗng dưng bật khóc nức nở chỉ vì mình học mãi một câu tiếng Anh mà không nhớ, hay cảm thấy tay chân bải hoải và đầu óc lơ mơ, cơ thể như không phải của mình và thậm chí nghĩ cuộc sống này không có gì đáng để tiếp tục…”

Ý thức không muốn để tình trạng này trầm trọng hơn, chị Nguyệt tìm đến các khoá học thiền và dinh dưỡng và điều chỉnh tâm lý tinh thần. Nhờ các kiến thức thực tiễn này, chị phát hiện việc ăn uống hiện tại của mình quá nhiều chất bổ nhưng lại thiếu các dưỡng chất để cân bằng cơ thể. Do tâm lý chung của các bệnh nhân ung thư sau phẫu thuật thường bồi bổ yến, táo đỏ kỷ tử… thời gian dài dễ khiến người bị tăng cân. Nhưng vì đó là các loại thức ăn nhiều chất bổ, nên cơ thể người bệnh dễ no lâu, dẫn đến ăn thiếu các món khác.

Thêm vào đó, tâm lý người Việt thường không dùng các loại thịt đỏ, nhưng thực chất, không có tài liệu khoa học nào chứng minh thịt đỏ tạo nên tế bào ung thư, mà vấn đề là hệ tiêu hoá của có tiêu thụ được các loại thịt này để cung cấp đủ đạm cho cơ thể không. Vì ăn thiếu đạm, tóc chị Nguyệt càng rụng nhiều, da xạm, người yếu đi và đó là lý do chị càng thêm căng thẳng.

Chấm dứt vòng luẩn quẩn này bằng một chế độ ăn mới không kiêng khem gì, phối hợp với các loại rau gia vị để dễ tiêu hoá, bớt gia vị, ăn nóng ngay khi vừa nấu xong… cộng với việc tập luyện vừa sức những bài đi bộ nhanh trên máy; quay lại tham gia trò chuyện cùng một cộng đồng phù hợp, chị Nguyệt dần lấy lại được sự cân bằng cho tinh thần và sức khoẻ, vóc dáng của mình.

Chị chia sẻ: “Tôi phát hiện ra chìa khoá của việc thay đổi nằm ở cách tư duy của bản thân. Tuy vậy, đó lại là điều khó chuyển đổi nhất. Vì chuỗi ngày sau hậu phẫu 6 tháng mới là bắt đầu của một hành trình đối diện với một cơ thể mới với rất nhiều vấn đề mất cân bằng từ hormone, nên việc ổn định tâm trạng rất khó khăn. Do đó, cần phải “bật công tắc” được cho tinh thần của mình thông qua một chế độ ăn và vận động đúng đủ để cơ thể cân bằng lại, rồi mới bắt đầu đối diện với từng vấn đề của bản thân cùng những chuyên gia tâm lý hoặc những người bạn hiểu biết; để họ giúp mình thay đổi góc nhìn, từ đó cũng thay đổi cả lối sống và cải thiện nó. Chia sẻ câu chuyện của mình, tôi mong các chị em sẽ tìm được một sự an ủi và động viên trên hành trình tìm được một cuộc sống ổn định và bình thường, mà chữ bình thường tôi luôn muốn viết hoa một cách trân trọng và quý giá!”