“CHỚP MẮT LUYẾN THƯƠNG”: Khi nhà báo viết về… người làm báo!

Nhà văn- nhà báo Sáu Nghệ được đông đảo người trong làng báo, người dân khu vực Tây Nam Bộ, ĐBSCL, cả nước nói chung biết đến qua các loạt bài phản ảnh, điều tra,… Và “Chớp mắt luyến thương” của anh phần nào lột tả cuộc đời của người làm báo và có lẽ trong đó có chính tác giả.

Tác giả gặp gỡ và tặng sách cho Phó Bí thư thường trực Thành Ủy TP cần Thơ Phạm Văn Hiểu và Giám đốc Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực ĐBSCL Bùi Trọng Điển.

Chớp mắt luyến thương” là tiểu thuyết dạng chương hồi của nhà báo- nhà văn Sáu Nghệ (tên thật Phạm Duy Tương, quê ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, hiện sống ở TP Cần Thơ) do NXB Hội Nhà văn ấn hành quý IV/2024, dày 188 trang, trong đó có 180 trang nội dung (gồm Lời mở, 10 chương hồi và Lời kết)… Tác giả nhà văn- nhà báo Sáu Nghệ đã nói: “…Nhân vật chính là nhiều người khác ở nhiều vùng quê trong các chương. Trong chớp mắt thời gian, đổi thay chính là phụ, hạnh phúc xen lẫn bất hạnh, buồn và vui, nụ cười và tiếng khóc, tuyệt vọng và hy vọng…”.

Nhà văn Lê Xuân

Như lời nhận xét của nhà văn Lê Xuân (Hội Nhà văn Việt Nam) là: “… Ngày nay ít người viết tiểu thuyết theo lối chương hồi này. Tôi rất ấn tượng khi đọc tiểu thuyết “Chớp mắt luyến thương” của nhà văn Sáu Nghệ gần 200 trang. Chỉ một nhân vật chính là nhà báo, nhà văn Phượng Tam với hành trình từ Bắc vào Nam chứng kiến bao cảnh sắc của các vùng đất, con người, phong tục tập quán ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi chương là một cuộc gặp gỡ người thân, người lạ và “mắt thấy tai nghe” bao điều đổi thay của cảnh sắc, con người ở những vùng miền ấy. Mỗi miền tác giả dành ba chương để kể chuyện, tả cảnh, tả tình và dự báo những gì sẽ diễn ra ở tương lai…”.

Tiểu thuyết chương hồi “Chớp mắt luyến thương” nói về Phượng Tam, một người làm báo với những cuộc hành trình từ Bắc chí Nam, anh được xem là nhân vật xuyên suốt tác phẩm… Quá trình đi thực tế, nhà báo Phượng Tam đã gặp gỡ, đối thoại và nhiều cảm xúc trước bao cảnh đời ở các vùng đất, với những con người cụ thể mà anh đã gặp như: chàng kỹ sư xây dựng Bùi Văn Sở, nhà thầu xây dựng Bùi Bần Bật, rồi cô Hồng Loan, ông Ba Cô Đơn, “hoa hậu” Ngọc Bích, ông Ba Chiến Thắng, ông Tư Lạc, Út Bèo, bà Muộn Hằng, ông Kim Bình, Chín Mạnh, Năm Thanh, anh Hai, Xuân Thành, Ngọc Hà,… Những người đó đã kể cho Phượng Tam nghe, dẫn chứng những việc làm cụ thể hoặc hiện vật, chứng cứ còn lại để anh nhìn có cái nhìn tổng thể, thấu đáo và thấu hiểu tình cảnh của mỗi con người ở các vùng đất khác nhau của Tổ quốc. Nhà báo Phượng Tam đã vui buồn với bao số phận, bao biến chuyển của lịch sử ở mỗi vùng miền để có những trang viết mang đậm tính nhân văn cao đẹp, nhanh chóng đi vào lòng người…

Nhà báo Văn Công Hùng- Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang với “Chớp mắt luyến thương” nói về người làm báo

Nhà báo Văn Công Hùng- Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang cho biết: “Quyển tiểu thuyết “Chớp mắt luyến thương” của anh Sáu Nghệ đã khắc họa được hình ảnh của người làm báo, những gian khó, hiểm nguy, sự đồng cảm với từng con người, từng cuộc đời và ở từng vùng đất mà anh ta đã đi qua. Rất vui và cảm kích khi nhà báo, nhà văn Sáu Nghệ đã có tác phẩm dành riêng cho giới làm báo…”.

Lời của nhà báo Văn Công Hùng cũng là lời kết cho bài viết này. Xin chúc mừng đồng nghiệp nhà báo- nhà văn Sáu Nghệ với quyển tiểu thuyết chương hồi “Chớp mắt luyết thương”.

Anh Duy