‘Diệp Vấn 4’ nhận nhiều lời khen của giới phê bình

Tác phẩm thứ 4 và cũng là tác phẩm cuối cùng về tổ sư của môn phái Vịnh Xuân quyền là Ip Man 4: The Finale (Diệp Vấn 4: Hồi kết) được các nhà phê bình Mỹ khen là có tính giải trí tốt.

Trải qua 3 phần phim và 1 phần ngoại truyện, loạt phim về võ sư Diệp Vấn, người được mệnh danh là huyền thoại võ thuật Trung Hoa vẫn còn nhiều chất liệu khai thác để tiếp tục cống hiến cho khán giả. Đạo diễn Hồng Kông Diệp Vĩ Tín, người làm nên thành công vang dội của 3 phần đầu tiên tiếp tục chỉ đạo cho phần cuối cùng này. Còn ngôi sao võ thuật Chân Tử Đan tiếp tục hóa thân vào vai võ sư xuất thân từ Phật Sơn, song câu chuyện phần thứ tư lại chứa đựng nhiều yếu tố bi kịch về cuộc đời lẫn sự cô độc của ông.


Kết thúc phần 3, Diệp Vấn trở thành “gà trống nuôi con” khi vợ mất vì bệnh ung thư. Phần 4 tiếp tục mạch truyện trước nhưng mốc thời gian là vào năm 1964, lúc này Diệp Vấn đã hơn 70 tuổi. Phát hiện mình bị ung thư thanh quản do nhiều năm hút thuốc, chưởng môn họ Diệp sau đó đã quyết định sang San Francisco (Mỹ) để kiếm trường cho con và dạy võ. Thế nhưng người Mỹ lại không hiểu được võ thuật Trung Hoa. Đồng thời chính Diệp Vấn lại bị thử thách nhiều lần ngay trên đất Mỹ, nơi cộng đồng Hoa kiều bị dân Mỹ nhìn với ánh mắt phân biệt.

Là tác phẩm tiểu sử, võ thuật thể hiện lòng tự tôn dân tộc, Diệp Vấn 4 có nhiều màn võ thuật đẹp mắt, đặc biệt giữa Diệp Vấn và Tổng hội trưởng người Hoa ở Mỹ do Ngô Việt đóng hay với một nhân vật đình đám khác là anh chàng võ sĩ xuất thân từ Hải quan Mỹ là Barton Geddes (Scott Adkins). Tuy ngoài 70 tuổi nhưng Diệp Vấn vẫn chứng tỏ sức dẻo dai qua thời gian bởi những đường võ đẹp mắt.

//www.youtube.com/watch?v=8foRd0W8ZmQ&t=571s

Nhận xét về tác phẩm đưa tên tuổi Chân Tử Đan từ diễn viên Hoa ngữ trở thành một trong những ngôi sao võ thuật nổi tiếng trên thế giới, cây bút Wade Major viết cho FilmWeek nhận xét: “Những pha chiến đấu trong phim dữ dội. Chân Tử Đan vẫn phong độ như xưa”. Còn tác giả Elizabeth Kerr viết trên The Hollywood Reporter cho rằng, tên tuổi của Chân Tử Đan là một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm, đồng thời dự án lần này “có vẻ trầm lắng hơn các phần trước do ít hô hào đao to búa lớn, hạn chế các mốc lịch sử gây nặng nề người xem và tập trung vào bi kịch của một người đàn ông khi ông ta đối mặt với đạo đức bản thân”.

//www.youtube.com/watch?v=MHZPpU1efgM

Không đồng tình với các ý kiến của các nhà phê bình khác, tác giả Peter Bradshaw chê bộ phim trên The Guardian với bài đánh giá ngắn gọn kèm những dòng như: “Trong phần cuối này, tác phẩm trở nên kém hấp dẫn do tình tiết chầm chậm, Diệp võ sư phải nuôi con một mình, hình tượng ông trong phim già cỗi. Chúng ta thấy ông ấy rời Hồng Kông đến Mỹ thập niên 1960 để tìm trường học cho con nhưng trên thực tế lịch sử ông không di chuyển quá nhiều như thế”.

//www.youtube.com/watch?v=pTYa27TLyxM&t=444s

Nếu sự xuất hiện của nhân vật Lý Tiểu Long (Trần Quốc Khôn đóng), vốn là học trò nổi bật của Diệp Vấn được khán giả trông đợi trong phim thì Peter Bradshaw đánh giá về vai trò của nhân vật này: “Thật lạ lùng là nhân vật Lý Tiểu Long có ít đất diễn trong phim: đánh đấm qua loa ở vài cảnh đầu tác phẩm, trò chuyện chớp nhoáng với Diệp Vấn và sau đó là mất tăm”. Nhìn chung, tuy nhận khen chê lẫn lộn nhưng tác phẩm vẫn được chấm 82% trên Rotten Tomatoes, một con số khá tích cực cho phần kết về huyền thoại võ thuật Diệp Vấn.

Nếu tác phẩm đã trình làng ở nhiều quốc gia hôm 20.12, dự kiến “cập bến” thị trường Mỹ ngày 25.12 nhưng lại không thấy lịch chiếu ở các rạp Việt Nam thời gian tới. Nhiều người phỏng đoán nguyên do Diệp Vấn 4 không được chiếu xuất phát ở Việt Nam có thể do dư âm của làn sóng kêu gọi “tẩy chay” trước đây. Trước đó, một loạt sao Hoa ngữ như Thành Long, Lưu Diệc Phi, Chân Tử Đan… vướng vào vụ lùm xùm ủng hộ “đường lưỡi bò” phi pháp trên Biển Đông. Từ đó, các tác phẩm có sự tham gia của những diễn viên này cũng bị vạ lây…