Chiều ngày 28/2/2023, Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Standard Chartered phối hợp tổ chức Tọa đàm:“Triển vọng kinh tế, tài chính thế giới năm 2023 và tác động đối với Việt Nam”tại Hà Nội. Tọa đàm thu hút sự tham dự của hơn 150 đại biểu, bao gồm đại diện các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, các Đại sứ và đại diện các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Standard Chartered cùng nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định trong bối cảnh tình hình, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, cơ hội và thách thức đan xen, Việt Nam tiếp tục ưu tiên duy trì ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và thúc đẩy phát triển bền vững, tiếp tục là một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới. Trợ lý Bộ trưởng đề nghị các chuyên gia làm rõ kịch bản của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam năm 2023; nhận định thời cơ và thách thức, đặc biệt những cơ hội Việt Nam cần tranh thủ, tận dụng; nhận diện và khuyến nghị các biện pháp nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, qua đó giúp cho chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nắm bắt, đánh giá các xu thế cập nhật nhất phục vụ điều hành kinh tế vĩ mô cũng như xây dựng các kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Toa đàm tập trung 3 nội dung chính về triển vọng kinh tế thế giới, triển vọng kinh tế Việt Nam và triển vọng thị trường ngoại hối năm 2023. Theoông Edward Lee, Chuyên gia kinh tế trưởng, khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered, năm 2023 đã khởi đầu tích cực hơn dự kiến. Nền kinh tế Mỹ đã phục hồi tốt hơn, khu vực đồng Euro đã tránh được một mùa đông khắc nghiệt, trong khi Trung Quốc đang mở cửa trở lại nhanh hơn dự kiến. Tuy nhiên nền kinh tế toàn cầu vẫn có khả năng tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 và đối mặt với một số rủi ro. Nửa cuối năm, kinh tế thế giới dự báo sẽ chạm đáy và bắt đầu phục hồi, tạo động lực cho sản xuất và tăng trưởng. Dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 đạt 2,5% (so với mức dự báo 3,4% năm 2022). Các nền kinh tế chủ chốt đều áp dụng chính sách thắt chặt định lượng với những đợt tăng lãi suất mạnh và việc các chính sách tài chính bị hạn chế sẽ tác động tới tăng trưởng toàn cầu. Hơn nữa, tuy lạm phát dự kiến sẽ ở mức trung bình, nhưng vẫn cao hơn mức trước COVID. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng nội địa. Hiện tại, khối lượng thương mại toàn cầu đã giảm vào cuối năm ngoái, cho thấy nhu cầu bên ngoài đang chậm lại.
Về triển vọng kinh tế Việt Nam, Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Charterednhận định tiếp nối đà phục hồi tăng trưởng năm 2022, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng GDP đạt 7,2% trong năm 2023 và 6,7% trong năm 2024. Dự kiến lạm phát năm 2023 tăng khoảng 6%; cán cân thương mại có thể được cải thiện; tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức toàn cầu. Kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023 vẫn đối mặt với một số rủi ro vĩ mô như lạm phát, nợ công, khôi phục lòng tin, song triển vọng phục hồi tích cực vào nửa cuối năm. Triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực. Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Về triển vọng thị trường ngoại hối, ông Divya Devesh, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực ASEAN và Nam Á nhận định hiện nay thế giới cần lưu ý 2 yếu tố. Thứ nhất là tác động của đồng USD vẫn là đồng tiền có lãi suất cao và tác động tới ngoại hối toàn cầu. Thứ hai là đánh giá khả năng suy thoái của Mỹ, dù hiện nay có tín hiệu tích cực song các thách thức có thể quay trở lại vào cuối năm 2023.
Tại Phiên thảo luận, có sự tham dự của các chuyên gia kinh tế, đại diện các bộ, ngành và doanh nghiệp, dưới sự điều phối của ông Nguyễn Xuân Thành, Thành viên HĐTV độc lập, không điều hành của ngân hàng Standard Chartered Việt Nam. Các diễn giả đã thảo luận về những cơ hội và thách thức cho tăng trưởng và ổn định vĩ mô của Việt Nam (lạm phát, Trung Quốc tái mở cửa, các cơ chế và sáng kiến mới như CBAM, thuế tối thiểu toàn cầu…); các giải pháp đẩy mạnh các động lực tăng trưởng (xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư) và nhận diện các động lực tăng trưởng mới; khuyến nghị các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Lãnh đạo Deloitte và nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh Việt Nam cần đẩy mạnh thương mại xanh và hỗ trợ toàn diện các mục tiêu bền vững trong bối cảnh đẩy mạnh triển khai các cam kết thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh gắn với các tiêu chí môi trường là xu thế bắt buộc đối với hầu hết các quốc gia. Do đó các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những bước chuẩn bị phù hợp để bắt kịp với xu hướng tất yếu này (đổi mới tư duy, thay đổi phương thức quản trị, xây dựng chiến lược xuất khẩu xanh…).
“Việt Nam có triển vọng phát triển trong trung và dài hạn, mang lại tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Là một ngân hàng quốc tế hàng đầu, chúng tôi luôn nỗ lực hỗ trợ quá trình phục hồi và tăng trường bền vững của Việt Nam trong năm 2023 và các năm tới.” Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, chia sẻ và nhấn mạnh: “Chúng tôi rất hân hạnh hợp tác với Bộ Ngoại giao tổ chức sự kiện ngày hôm nay và chia sẻ những nhận định, góc nhìn với mong muốn đóng góp vào nỗ lực chung xây dựng một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững.”
Tọa đàm là một phần trong những nỗ lực của ngân hàng Standard Chartered nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam cũng như của cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những hoạt động của Bộ Ngoại giao triển khai Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế, nhằm tham mưu, cung cấp thông tin cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp./.
Theo : phunuhiendai.vn