Sự kiện diễn ra tại Bảo tàng mỹ thuật TPHCM, hôm 15/4/2022, trước dự tham dự đông đảo của giới văn nghệ sĩ và những bạn bè thân hữu.
Bìa sách Sài Gòn Covid 19 của Trần Thế Phong
Một cuộc triển lãm khá ấn tượng, những tiết mục góp vui cho chương trình khai mạc gây nhiều cảm xúc, chạm đến trái tim từng người… Trước đó, trên trang cá nhân của mình, nhà báo– nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật Lý Đợi, đã viết: “Việt Nam thường hiếm có nhiếp ảnh ý niệm (conceptual photography), nên khi gặp bức ảnh chụp chỗ bùng binh Phan Đình Phùng (quận 5, TP.HCM) của Trần Thế Phong, thấy nó thực sự thu hút”.
Nhà báo– nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật Lý Đợi nói: “Giữa lúc giãn cách vì Covid-19, bùng binh vốn tấp nập này đã vắng vẻ một cách lạ thường. Bức ảnh phản ánh được nhiều khía cạnh hay/dở của một đại đô thị, như sự đua tranh giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa vật thể và phi vật thể, giữa thế tục và tâm linh. Trước mặt tượng đài một anh hùng dân tộc là bảng quảng cáo về đô thị sinh thái, sau lưng là bảng quảng cáo ế, vì chưa có khách hàng mới. Chiều cao và kích thước to lớn của hai bảng quảng cáo này so với tượng đài Phan Đình Phùng như là một áp đảo, một đối cực để suy ngẫm về thời thế, về quy hoạch và tầm nhìn thành phố. Nó cũng làm cho các tín hiệu, biển hiệu khác trong bức ảnh này biến thành biểu tượng, mang đến những ẩn dụ mới, ngữ nghĩa mới”.
Trần Thế Phong những ngày rong ruổi Sài Gòn (Ảnh: Giản Thanh Sơn)
Ấn phẩm “Sài Gòn COVID-19 – 2021” bao gồm 155 tác phẩm ảnh của Trần Thế Phong chụp, được chọn lọc từ hơn 6.000 bức ảnh đã chụp trong vòng 5 tháng từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2021. Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cho biết, bản thân sẽ đối diện với nhiều hiểm nguy bất ngờ và rất có thể, sự sống sẽ dừng lại ở một giây phút nào đó ngay khi anh lơ là, thiếu thận trọng. Nhưng với lửa nghề và lòng nhiệt thành của một nhiếp ảnh gia đường phố, muốn được chứng kiến giây phút mang tính lịch sử của vùng đất nơi anh sinh ra và lớn lên, anh bắt đầu cuộc dấng thân với tâm thế chủ động, có những biện pháp bảo vệ bản thân nhất định.
Trần Thế Phong với Giản Thanh Sơn, Alan Ford Vo và ký giả Nisck Ut (Ảnh: Tomi Le)
So với một Sài Gòn thanh bình, khác lạ trong sách ảnh Sài Gòn COVID-19, ở cuốn thứ hai, nhiếp ảnh gia Thế Phong ghi lại hành trình đi qua thương đau của thành phố. Chắc chắn, theo nhìn nhận và sự quan sát của từng cá nhân, có thể, cuốn sách ảnh sẽ không thể đầy đủ mọi hoạt động đã diễn ra trên địa bàn thành phố nhưng về cơ bản, những diễn biến chính đều được nhiếp ảnh gia Thế Phong ghi lại. Đó là thành phố vắng vẻ, chỉ có những chiếc xe cứu thương hộc tốc từ đường lớn cho tới ngõ nhỏ hun hút sâu. Đó là những hộp cơm nghĩa tình được bày trên phố. Đó là hình ảnh của lực lượng y tế, quân đội, dân quân, thanh niên tình nguyện, đội thiện nguyện… đang cùng nhau làm tốt nhất có thể vai trò của mình, những mong cứu người, kịp thời hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, san sẻ yêu thương để cùng dìu nhau qua đoạn khó của đời người.
Theo nhiếp ảnh gia Thế Phong, thương vong, mất mát anh chứng kiến trong hành trình rong ruổi suốt 5 tháng trời, có những ảnh lột tả trực diện nỗi đau thương có thể cứa lòng, thắt tim người xem nhưng anh xin giữ những bức ảnh đó cho riêng mình. Sách ảnh Sài Gòn COVID-19 (2021) vẫn có nhiều khoảnh khắc lay động cảm xúc nhưng tác giả không quá bi luỵ, không đào sâu đau thương của người đã khuất và gia đình họ.
Trần Thế Phong nói: “Tôi muốn chạm vào cảm xúc của người xem một cách vừa đủ, nghĩa là từng bức ảnh vẫn cho thấy đau thương thật nhưng chúng không quá nặng nề đến mức gây ám ảnh. Dịch COVID-19 đã dần được kiểm soát và đây là thời điểm gần tròn một năm Sài Gòn trải qua năm tháng khốn cùng của đau thương nhưng lấp lánh tình thương. Đây là dịp để mọi người nhìn lại một lần nữa những gì đã trải qua, để nguyện cầu cho những người không may rời cõi tạm được thanh thản, để người ở lại nén nỗi đau mà bước tiếp hành trình sống của mình. Thành phố và lòng người đang dần hồi sinh, đó là điều may mắn”.
Sách ảnh Sài Gòn COVID-19 (2021) không đơn thuần tập hợp hình ảnh, tái hiện hành trình tác nghiệp đặc biệt của nhiếp ảnh gia Thế Phong mà đây là thành quả tâm huyết được trưng bày đẹp mắt với dụng ý nghệ thuật về sắp đặt, bố cục. Trong 155 bức ảnh, nhiều tác phẩm được đưa về màu đen trắng, ở một số nhóm chủ đề cần độ lắng về cảm xúc. Anh để ra nhiều khoảng trắng như khoảng nghỉ của thị giác để tiếp sau đó, người xem đi đến trải nghiệm nặng đô hơn. Đây cũng là cuốn sách ảnh “nhiều chữ nhất” của nhiếp ảnh gia Thế Phong bởi trong đó, anh đưa vào những chia sẻ thật tâm của các cá nhân đang công tác tại ngành nghề, họ có những trải nghiệm khác nhau trong cao điểm dịch tại Sài Gòn từ bác sĩ, nhà báo, nhiếp ảnh gia, cô con gái không may có ba mẹ qua đời vì COVID-19…
Ký giả Nick Ut nói rằng, ông rất xúc động và rơi nước mắt khi được xem qua quyển sách này. Ông cho rằng, tác giả Trần Thế Phong đã không sợ nguy hiểm cho bản thân mình mà rất can đảm xông pha vào tâm dịch, thu vào ống kính của mình nhiều hình ảnh ấn tượng qua một cơn đại dịch lích sử!
GIẢN THANH SƠN