Dịch cúm 100 năm trước tại Philadelphia: Thảm kịch có thể đã được ngăn chặn, nhưng combo “dịch bệnh – tham nhũng – tự mãn” đã mở ra cánh cửa cho thảm họa

Bài học từ dịch bệnh cúm Philadelphia năm 1918.


Năm 1918, năm cuối cùng của Thế chiến I. Đầu năm đó, một chủng virus cúm mới có nguồn gốc từ Trung Quốc và lan rộng khắp thế giới từ đó. Làn sóng đầu tiên này không hẳn gây chết người nhưng trong đợt bùng phát nhỏ suốt mùa hè đã xác định nguy cơ của căn bệnh này. Tại một số thời điểm trong giai đoạn này, virus đột biến trở nên nguy hiểm vô cùng. Nó bắt đầu giết chết những thanh niên khỏe mạnh.

Dịch bệnh tràn đến Hoa Kỳ vào đầu mùa thu, với hai đợt bùng phát ở Boston tại các cơ sở của quân đội và hải quân. Tuy nhiên, tại thời điểm này, rất ít người nhận ra những nguy hiểm mà nó gây ra. Khi đó, nó vẫn chưa lan rộng khắp đất nước. Nhưng rồi mọi chuyện đã nhanh chóng thay đổi.

Vào tháng 9, các thủy thủ từ Boston đã đến cơ quan hải quân Philadelphia. Bốn ngày sau, 19 thủy thủ báo cáo các triệu chứng cúm. Các nhân viên y tế của cơ sở đã khử trùng, cách ly và làm mọi việc trong khả năng của họ để giải quyết vấn đề. Nhưng như John Barry, một nhà sử học về đại dịch đã viết, “virus đã thoát ra”.

Vào thời điểm đó, Philadelphia chính là mảnh đất màu mỡ để truyền virus. Gần 2 triệu người sống trong các khu vực gần nhau, với nhiều công nhân, binh lính và thủy thủ đến và đi. Tuy nhiên, nhiều thành phố cũng đang gặp nguy cơ lây nhiễm bệnh này. Dù vậy, Philadelphia bị khủng hoảng khi phải chịu đựng dịch bệnh chết người cùng sự tham nhũng và bất tài.

Người điều hành thành phố lúc này là Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Edwin Vare. Là một cựu nông dân, Vare ghét giới tinh hoa thành phố. Anh ta rất vui mừng khi buộc họ đứng bên cạnh mình một cách bất lực, khi anh ta điều hành thành phố qua những người bạn thân tham nhũng của mình, trong đó có cả thị trưởng Thomas Smith.

Trong bối cảnh này, người duy nhất có thể có khả năng kìm hãm sự bùng phát đang gia tăng là Giám đốc tổ chức y tế công cộng và từ thiện: Tiến sĩ Wilmer Krusen. Krusen đã chứng minh được năng lực trong vai trò của mình trước đại dịch. Ông làm việc chăm chỉ để dập tắt bệnh giang mai; ông đã xây dựng trung tâm y tế cộng đồng. Nhưng ông ấy đã không phải là người phù hợp để giải quyết cuộc khủng hoảng quy mô này.

Hơn nữa, ông được bao quanh bởi các chính trị gia tham nhũng và làm những việc làm hài lòng niềm vui của họ. Và mọi thứ trở nên phức tạp hơn ở Philadelphia. Vào đầu tháng 9 năm 1918, Thị trưởng Smith đã bị bắt và bị truy tố liên quan đến vụ giết một cảnh sát. Vậy mà Smith không từ chức. Krusen rơi vào tình thế khó khăn trong việc đưa ra phản ứng mà không có thị trưởng.

Đến giữa tháng 9, Xưởng đóng tàu chiến Philadelphia có hàng ngàn các ca nhiễm. Vào ngày 15 tháng 9, 600 thủy thủ và thủy quân lục chiến đã phải nhập viện; hai ngày sau, 5 bác sĩ và 14 y tá ngã gục vì cúm. Một ngày sau đó, Krusen đã có một cuộc họp muộn màng tại xưởng với giám đốc y tế, Trung úy Cmdr. R. W. Plummer.

Cuộc họp đã kết thúc sau khi Krusen đồng ý bắt đầu một chiến dịch công khai cảnh báo mọi người che miệng và mũi khi ho và hắt hơi.

Trong khi đó, các quan chức lại bày tỏ sự lạc quan. Plummer nói với một tờ báo địa phương rằng ông và Krusen sẽ “chỉ để cho dịch bùng phát đến giới hạn hiện tại, và chúng tôi chắc chắn sẽ thành công. Hải quân không ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào. Bác sĩ quân đội và chính quyền dân sự cũng không có gì đáng lo ngại”. Ngày hôm sau, khi 2 thủy thủ đã qua đời, Plummer khẳng định: “Cơn bệnh đã đạt đến đỉnh điểm. Chúng tôi tin rằng bây giờ tình hình đã được kiểm soát rất tốt. Từ thời khắc này bệnh sẽ giảm.”

Krusen một lần nữa rất lạc quan. Ông tuyên bố rằng các thủy thủ bị chết vì “cúm thông thường”. Nhưng sau cái chết của 14 thủy thủ trẻ khỏe 20 ngày sau đó, câu nói này rất khó có thể lặp lại. Tuy nhiên Krusen vẫn còn chưa chấp nhận sự thật, ông lưu ý “một vài ca nhiễm là dân thường”, do đó, ông tự tin rằng chính quyền sẽ “ngăn chặn sự phát triển của dịch bệnh ngay từ đầu.”

Hội đồng y tế Philadelphia đã có cuộc họp vào ngày 21 tháng 9. Họ đã đưa ra một tuyên bố công khai rằng lời của Krusen rất “thuyết phục” “tỷ lệ dịch cúm ở trong dân vẫn chưa nhiều”. Mặc dù, trước thời gian đó, chủng cúm độc hại đã giết chết cả dân thường và binh lính trong cả nước.

Vì sao người ta lại lạc quan? Có lẽ Krusen vẫn tin rằng đây là dạng cúm thông thường nhẹ, có lẽ ông không muốn bứt dây động rừng trong tình hình chính trị khó khăn như hiện tại. Dù lý do là gì đi nữa, ông và Plummer đã không hạn chế sự di chuyển của các nhân viên quân sự trong thành phố, cho phép các thủy thủ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Không phải chỉ có mình ông bất cần mà nhiều quan chức y tế công cộng khác trên khắp đất nước cũng ngại đưa ra “hồi chuông báo động”.

Nhưng Philadelphia đã được tiên đoán trước một thảm họa. Vào ngày 28 tháng 9, thành phố đã tổ chức một cuộc diễu hành lớn nhất trong lịch sử: “Liberty Loan”, kêu gọi mọi người đăng ký trái phiếu chiến tranh. Tất cả các dân tộc cũng như các thủy thủ, binh lính, y tá, các nhóm dân sự và nhiều người khác tại Philadelphia dự định sẽ tham gia. Đây là một sự kiện lớn, không thể dễ dàng bị hủy hay hoãn lại.

Mặc dù Krusen đã cảnh báo thành phố không nên tập trung đông người, nhưng ông lại không cố gắng ngăn chặn cuộc diễu hành. Công bằng mà nói, nếu Krusen có động thái nào, có lẽ ông sẽ bị thủ tiêu. Ngày 28 tháng 9, hàng trăm ngàn người tụ tập dọc theo tuyến đường diễu hành, và cổ vũ đám người biểu tình di chuyển qua thành phố trong một đám đông dài hơn 3km.

Ngày hôm sau, Krusen đưa ra các khuyến nghị cho công chúng với lời khuyên tránh tụ tập nơi đông người. Quá muộn. Một ngày sau, dịch cúm bắt đầu hoành hành không kiểm soát: 635 trường hợp mới chỉ trong ngày 1 tháng 10. Hội đồng y tế đã đóng cửa tất cả các trường công lập và hủy bỏ một số cuộc họp đại chúng. Nhưng đã quá trễ rồi. Cuộc diễu hành đã lan truyền bệnh khắp thành phố. Bây giờ bắt đầu có nhiều người chết hơn.

Chủng cúm đặc biệt này đã “tàn phá” các nạn nhân. Một sinh viên y khoa chăm sóc người bệnh nhớ lại rằng các triệu chứng xuất hiện lần đầu rất ít. “Nhưng không may, các triệu chứng lâm sàng ngày càng rõ rệt, thay đổi một cách đáng kể.” Họ thở dốc. Họ bắt đầu trở nên xanh xao hoặc tím ngắt vì thiếu oxy.

Khi đã đến giai đoạn này, rất ít người có thể được hồi phục. “Sau khi thở dốc, họ sẽ bắt đầu mê sảng và không ý thức. Nhiều người chết khi phải cố gắng lau sạch máu bọt mép chảy ra từ mũi hoặc từ miệng. Thật là một việc kinh khủng.” Sinh viên ấy nhớ lại rằng ở đỉnh điểm của dịch bệnh, trong bệnh viện anh làm có tới 1/5 ca nhiễm chết mỗi đêm.

Vì bệnh nhân chết ngày càng nhiều – chỉ trong ngày 10 tháng 10 có tới 759 người chết – nhà xác thành phố hết chỗ. Xác chất chồng lên nhau, các nhân viên phải đào mộ chôn tập thể. Nhưng vẫn không kịp. Hội Chữ thập đỏ Philadelphia nhớ lại rằng “xác chết phân hủy bị thối rữa trong những nhà xác đông đúc”. Một quan chức khác nhớ lại rằng mùi hôi thối từ nhà xác thành phố “rất buồn nôn”.

Trước thời điểm dịch bệnh bùng phát vào tháng 11, khoảng 150.000 người trong thành phố đã mắc bệnh; khoảng 15.000 (10%) đã chết. Đây là một con số người chết cao hơn nhiều so với các thành phố khác ở Hoa Kỳ và trên thế giới.

Thảm kịch này có thể đã được ngăn chặn. Nhưng một sự kết hợp độc hại giữa tham nhũng và tự mãn đã mở ra cánh cửa cho thảm họa.

Theo CafeBiz