Thạc sĩ, nhà tri thức Nguyễn Hữu Nhơn đã được NXB Thông Tin và Truyền Thông mời xuất hiện trên trang Bìa Ấn Phẩm số Tết đặc biệt “Thời Đại Ngày Nay. Đây được xem là niềm hãnh diện và nghĩa tình của một Cơ quan xuất bản trân quý tài năng và tạo sự lan tỏa ý nghĩa. Từ sự kiện ý nghĩa này, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Nhơn đã xúc động tâm tình:
TH.S NGUYỄN HỮU NHƠN
HÌNH TƯỢNG TRÍ THỨC TÀI HOA
VÀ GIÀU KHÁT KHAO CỐNG HIẾN
Ví như ông Bụt mang trong mình năng lực siêu nhiên và sứ mệnh “cứu nhân độ thế”, Th.S Nguyễn Hữu Nhơn – Chánh Hội trưởng Nam Thành Thánh thất Quận 1, TP.HCM, Hội đồng Tư vấn Trung tâm Unesco Văn hóa Thông tin – Truyền thông đã nỗ lực một đời để phụng sự, cống hiến và miệt mài giúp đỡ những phần đời kém may. Hành trình 74 mùa xuân của ông là một hành trình ấn tượng, mà ở đó luôn hiện hữu một mạch sống trí tuệ, yêu thương, nhân ái và nghĩa tình.
Phiên bản tài hoa “hiếm có khó tìm”
Thật hiếm thấy một vị doanh gia nào lại có thể sở hữu một nguồn năng lượng sống dồi dào và đạt được thành công nhiều lĩnh vực như Th.S Nguyễn Hữu Nhơn – phiên bản tài hoa “hiếm có khó tìm” và là biểu tượng của tầng lớp trí thức Sài Gòn, năng động, giàu lòng yêu thương và khát khao cống hiến.
Ngay từ khi còn là một thiếu niên, ông đã hăng hái tham gia vào Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam và nhóm “Vững niềm tin” của Chi đoàn Trường Pétrus Ký (thuộc Thành đoàn Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định), góp mặt thường xuyên trong các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, sinh viên. Đặc biệt, với tố chất thông minh, nhanh nhạy lại thành thạo ba ngoại ngữ: Hán văn, Anh văn, Pháp văn, ông sớm đam mê và thành công rực rỡ với nghề kinh doanh lương thực thực phẩm. Ở tuổi ngoài đôi mươi, trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa còn đang loay hoay lập thân, lập nghiệp thì chàng trai cựu học sinh Trường Trung học Pétrus Ký – ngôi trường danh tiếng, dành cho những học trò tài năng của cả nước, đã tạo dựng được một “cơ ngơi đắt giá” với ba chiếc xe hơi hiệu Honda (Nhật Bản), Vauxhall (Anh), Renault (Pháp) và một ngôi biệt thự hoành tráng tại khu vực Quận 2.
Cơ ngơi là thế nhưng ông không hề tỏ ra tự mãn. Ngược lại, từ “bệ phóng” là một doanh nhân trẻ thành đạt, ông càng hăng say nỗ lực, dấn thân, trải nghiệm và chinh phục những tầm cao mới. Tài hoa của ông được khẳng định trên nhiều lĩnh vực và qua nhiều chức vụ đảm nhận. Đầu tiên là Cán bộ quản lý Sở Vật tư Tp. HCM, Trưởng trạm kinh doanh XNK (BADACO); Phó Tổng Giám đốc Fookmings Joint Venture Company LTD, Giám đốc Festival Inco Restaurant Hotel. Tiếp theo sau đó là hàng loạt các vai trò liên quan đến giáo dục, văn hóa và thiện nguyện, từ Trưởng phòng Công tác Nhân đạo (Viện Đào tạo Phát triển Giáo dục và Hợp tác Quốc tế), Trưởng phòng Tư vấn Giáo dục Chi nhánh Trung tâm Phát triển Giáo dục Thường xuyên tại TP. HCM, Hội đồng Tư vấn Trung tâm UNESCO Văn hóa Thông tin và Truyền thông, Cố vấn Đoàn thầy thuốc tình nguyện (Hội Chữ thập đỏ TP. HCM), Trưởng ban Cố vấn CTXH Tạp chí Truyền thống và Phát triển (VPPN), Hội đồng Cố vấn TW. Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng tại TP. HCM đến Trưởng ban Cố vấn TW. Hội Khuyến học Việt Nam (VPPN), Trưởng ban điều hành Phòng khám từ thiện Nam Thành Thánh thất, Chánh Hội trưởng Nam Thành Thánh thất và Đại biểu HĐND Q.1 (nhiệm kỳ 2004 -2011) v.v.
Đó là chưa kể đến chuyện ông là một nhà nghiên cứu văn hóa, từng vinh dự được mời tham gia các diễn đàn, các hội thảo khoa học về tôn giáo (trong đó có hội thảo của Trường ĐH KHXH & NV TP. HCM, diễn giả chương trình Văn hóa – Giáo dục “Đánh thức giá trị tiếng Việt”…vv) và đã đóng góp nhiều đề tài, nhiều bài báo cáo khoa học có giá trị; một phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của hơn 10 tạp chí, báo, đài và là gương mặt “đắt show” trong nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật cũng như các cuộc thi sắc đẹp. Ông cũng là người yêu thơ văn (một thời ghi dấu ấn với những sáng tác được yêu thích qua bút danh Thanh Phong) và duy trì mạch sáng tác qua hơn nửa thế kỷ. Hoạt động sáng tác thơ ca, nghiên cứu văn hóa tôn giáo; viết bài cho các báo, đài, tạp chí hay thường xuyên tham gia vào các chương trình văn hóa văn nghệ, các hội thảo khoa học (ngày 22/9/2023 tại Hội thảo Khoa học ở Cần Thơ, ông đã phát biểu gây chấn động, tại đây Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương thốt lên lời lẽ ngưỡng mộ ông. Rồi ngày 30/9/2023, Nam Thánh Thánh thất lại được vinh dự đón tiếp đoàn Viện Nghiên cứu Tôn giáo đến thăm, trong buổi giao lưu mang nhiều ý nghĩa về khoa học lịch sử của Đạo Cao Đài, ngài PGS-TS rất đổi vui mừng khi nhân duyên trùng phùng hội tựu), các chương trình khuyến học (ông đã bảo trợ 5 suất học bổng cho sinh viên đại học, cao học đi Nhật trị giá 5 tỷ đồng)… v.v. cũng là cách để ông chia sẻ, trao truyền lại những giá trị tốt đẹp cho thế hệ hậu sinh, giúp họ học hỏi, tiếp nối xây dựng văn hóa đất nước trên nền tảng đạo đức, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngoài ra, từ năm 2010 cho đến nay, từ ước mơ đã biến thành hiện thực ông đã sáng lập một nhà hàng chay, đẩy mạnh phát triển kinh doanh ẩm thực chay, lựa chọn và phục vụ nhu cầu ăn uống chay tịnh của người dân, vị doanh gia “mộ đạo” chỉ mong sao góp phần làm thanh sạch môi trường, hướng con người đến lòng từ bi và sự an tịnh trong tâm hồn.
Thật khó để tưởng tượng, một con người bình thường lấy đâu ra sức lực, lấy đâu ra tài năng để có thể cáng đáng cùng lúc nhiều công việc và tỏa sáng trên nhiều mặt trận ngay cả khi tuổi đã “xế chiều”! Có lần hỏi vui ông, phải chăng quá tham lam, quá ôm đồm công việc? Ông chỉ cười rồi đáp khẽ: “Biết làm sao được, vì trót mang trái tim yêu thương, mong muốn được ôm ấp, vỗ về và chở che tất cả. Nên cứ còn khỏe còn làm, làm cho đến khi mình thôi không còn đủ sức…”. Vì vậy mà 02 năm liền (2014-2015), ông bị MC Anh Quân của Đài VTV9 mắng yêu:“Ông Nhơn là người tham công tiếc việc, vì luôn lao động tri thức từ 12 đến 15 tiếng trong ngày”.
Doanh nhân “Tốt đời – Đẹp đạo”
Giống như tiểu thuyết gia người Mỹ – Benjamin Spock đã từng nói:“Con người hạnh phúc nhất và thành công nhất khi cống hiến vì một mục đích nằm ngoài sự thỏa mãn ích kỷ cá nhân”, niềm vui cũng như thành tựu một đời của Th.S Nguyễn Hữu Nhơn chưa bao giờ tách rời khát khao phụng sự và cống hiến.
Có lẽ vì may mắn được sinh ra trong một gia đình trí thức, có truyền thống y học (từ đời ông nội đến cha ông đều hành nghề đông y), vốn coi trọng đạo đức, nhân nghĩa và luôn sẵn lòng cưu mang người khác cùng với việc, tuổi thơ thường theo cha vào chùa, có mặt tại Nam Thành Thánh thất để gióng đại hồng chung (đánh chuông) nên ông sớm được khai sáng, được dung nạp những giá trị chân – thiện – mỹ và xem đó như là kim chỉ nam của đời mình.
Xuyên suốt hành trình tạo dựng sự nghiệp, khẳng định tài hoa của bản thân, từ khi còn là một chàng doanh nhân trẻ tuổi đôi mươi đến khi ngấp nghé 74 mùa xuân, ông đều nghĩ đến chuyện giúp đời, giúp người. Với ông, nỗ lực làm giàu phần lớn là để sẻ chia, giúp đỡ những mảnh đời cơ cực. “Ước mơ lớn nhất trong đời tôi là được phục vụ nhân sinh, giúp đời, giúp người. Thời còn trẻ chưa lập gia đình, tiền lương mỗi tháng làm ra, tôi tiêu xài khoảng 2/3, còn lại 1/3 để giúp đỡ người nghèo. Sang đến tuổi trung niên, tôi dành một nửa cho mình và gia đình, nửa còn lại cho các chương trình an sinh xã hội… Còn hiện tại, khi con cháu đã lớn khôn, thành đạt, tôi dành hẳn 2/3 thu nhập cho công tác từ thiện.” – ông chia sẻ. Chính nhờ việc phục vụ an sinh xã hội và phụng sự đạo pháp không hề ngừng nghỉ, với ba đời liên tiếp làm việc thiện mà 5 người con gái của ông đã noi theo con đường của cha mình, đều tốt nghiệp đại học, cao học và có vị trí xã hội với cuộc sống an lành, hạnh phúc bên cạnh 9 đứa cháu ngoại ngoan hiền, hiếu học.
Điều này không hề lạ khi mấy thập niên qua, dù bận rộn với hàng tá công việc, người ta vẫn thấy ông hăng hái làm thiện nguyện “trên từng cây số”. Lúc thì lặn lội đi đến tận các vùng sâu, vùng xa ở khắp các nẻo đường Tổ quốc để gửi trao đến các em học sinh, đồng bào khó khăn… những phần quà đầy ắp nghĩa tình. Lúc lại đứng ra vận động, kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm phối hợp với Phường, Quận, TW Hội Chữ thập đỏ, TW UBMTTQ Việt Nam, TW Hội Khuyến học… triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa như: cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, xây dựng nhà tình nghĩa tình thương, cưu mang người khuyết tật, cơ nhỡ, trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó…v.v.
Đối với hàng loạt các sự kiện thiện nguyện lớn nhỏ do anh chị em nghệ sĩ tổ chức như: “Vì biển đảo xanh Tổ quốc”, “Tấm lòng người nghệ sỹ hướng về miền Trung”, “Trái tim Nhân ái”, “Bao la tình người”, …vv, ông cũng thường xuyên góp mặt và tài trợ nguồn kinh phí đáng kể. Rồi ông còn chủ trương xây dựng ngôi nhà chung với tên gọi Mái ấm “Suối Nguồn Yêu Thương” tại số 126 Nguyễn Cư Trinh, Quận 1. Tính từ năm 1990 cho đến nay, ông cũng như mái ấm đã tiếp nhận cưu mang, dạy dỗ và tài trợ nơi ăn, chốn ở, học hành cho hơn 100 đứa con nuôi là những em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điều quý giá là từ môi trường này, các em hầu như đều được giáo dưỡng đạo đức, được học tập, lĩnh hội tri thức, có người đã thành danh (với học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ, Kỹ sư…), trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Đặc biệt, Phòng khám Nhân đạo Nam Thành Thánh thất (hiện tọa lạc tại địa chỉ 124 -126 Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP.HCM) chính là dự án quan trọng và tâm huyết nhất của ông trên bước đường “gieo hạt yêu thương”. Từ khi sáng lập, nắm giữ chức vụ Trưởng ban điều hành phòng khám, ông luôn chú trọng làm công tác y tế và nhân đạo nhằm chăm lo sức khỏe, hỗ trợ đời sống cho những người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam… thông qua các hoạt động thăm khám, điều trị, phát thuốc miễn phí và thường xuyên trao tặng quà, tiền mặt, …v.v. Chỉ tính riêng trong năm 2021 – thời điểm đại địch covid – 19 bùng phát mạnh mẽ và 7 tháng đầu năm 2022, cá nhân ông nói riêng và Phòng khám Nhân đạo Nam Thành Thánh thất nói chung đã hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng cho người mắc covid, hậu covid và bà con khó khăn ở các tỉnh thành.
Mặc dù hiện tại, chỉ tổ chức khám và phát thuốc miễn phí lưu động khi các tổ chức (Chữ thập đỏ, MTTQVN, Hội người cao tuổi, Hội Chất độc da cam, …) có công văn yêu cầu giúp đỡ nhưng sự ra đời và tồn tại bền vững của phòng khám nhân đạo suốt 30 năm qua (từ năm 1993 đến nay) đã góp phần cứu chữa, giúp đỡ và mang lại niềm vui sống cho vô số bệnh nhân, người nghèo khắp cả nước.
Song song với “sự nghiệp” thiện nguyện mang đầy tính nhân văn, làm nên các biệt danh “Người chiến binh thầm lặng”, “ông Bụt giữa đời thường”, Th.S Nguyễn Hữu Nhơn còn là cánh chim không mỏi trong hành trình lan tỏa những nét đẹp văn hóa tâm linh. Vốn người mộ đạo, giác ngộ được lý tưởng sống cao đẹp từ trong chính môi trường học tập và tu học đạo pháp, ông mong muốn được gìn giữ và phát huy các giá trị tích cực của đạo Cao Đài trong đời sống cộng đồng.
Sau khi tiếp nối sứ mệnh của ông nội và cha – hai bậc tiền bối có nhân duyên lãnh đạo ngôi Thánh thất đầu tiên ở Sài Gòn, một di tích lịch sử của đạo Cao Đài đã tồn tại gần một thế kỷ với Di sản văn hóa phi vật thể là ngày Thành lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ 23/8 Bính Dần (1926), trở thành Chánh Hội trưởng đời thứ 8 của Thánh thất, ông chuyên tâm thực hiện công tác đạo sự, dẫn dắt các tín đồ tu học và hành đạo theo phương châm “tốt đời, đẹp đạo”. Nhiều năm qua, tuệ sỹ Hữu Nhơn đã cùng với những người trong Ban cai quản hướng dẫn, vận động đồng bào Cao Đài Nam Thành Thánh thất phải biết thương yêu, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau; tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đóng góp công sức vào quá trình xây dựng, phát triển thành phố ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội, hỗ trợ chăm lo đời sống, tặng quà, học bổng cho con em đạo hữu nghèo trong giáo hội cũng như kêu gọi các tín hữu đạo Cao Đài sống, làm việc và sinh hoạt luôn hướng về thiên nhiên với môi trường xanh – sạch – đẹp, làm theo những điều mà cổ nhân từng dạy: “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”.
Trên cương vị người “đầu tàu”, ông còn tham gia sáng lập Tạp chí Cao Đài (thuộc Khối Liên giao các Hội Thánh Cao Đài và Tổ chức độc lập trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ từ năm 2008), và tổ chức những chuyến đi “Trọn vẹn đạo đời” hay “Đạo đời yêu thương” với mong muốn lan tỏa và phát triển Đạo trong đời sống, tạo sự gắn kết trong một mái nhà chung vì mục tiêu hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh.
Ý nghĩa nhất là vị Chánh hội trưởng đã tự tay thiết kế, tổ chức, đầu tư tài chính và làm tổng giám sát công trình xây dựng mới ngôi Di tích Lịch sử Đầu tiên của đạo Cao Đài tại vùng Cầu Kho, Sài Gòn (nay là khu vực Quận 1, TP.HCM). Theo ông cho biết, mục đích của việc xây mới ngôi Thánh thất là để giữ gìn di sản văn hóa tâm linh, tạo môi trường tốt hơn có đầy đủ: Dân sinh, Dân trí, Dân đức cho mọi tín đồ gần xa tu học, trong đó có cả là việc chiêu hiền đãi sĩ. Tính đến nay, Thánh thất đã có lịch sử 15 năm xây mới và gần 100 năm lưu truyền sử sách về một tôn giáo nội sinh.
Vị giám khảo “chuẩn mực” và những tiêu chí về cái đẹp
Có vẻ như Thượng đế đã ưu ái ban tặng cho vị doanh gia nhiều trí tuệ và năng lượng, nhiều phẩm chất cao quý nên ở lĩnh vực nào ông cũng tạo được tiếng vang, cũng lan tỏa được thông điệp tri thức và nhân văn.
Với lợi thế về độ “hot” và thực lực, những năm qua, Th.S Nguyễn Hữu Nhơn liên tục được mời làm diễn giả, cố vấn, nhà tài trợ, giám khảo cho nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, từ Tiếng hát vàng anh, Bức tường nghệ sỹ, Gương mặt Sân khấu Điện ảnh Triển vọng 2020 đến Kỳ án chốn hậu cung, Truyền hình trực tuyến Việt Nam (VNTV), Tình ca Diamond Bolero Việt Nam 2022, hay cuộc thi Ms and Mr Idol Việt Nam (VTV8) 2023, chương trình “Người đẹp Tây Nguyên” (TVO) 2023,…vv; nhiều cuộc thi sắc đẹp, từ Hoa hậu Nhân văn, Hoa hậu Doanh nhân, Hoa hậu Nhân ái đến Hoa hậu và Nam vương… Năm 2023 là năm đáng nói vì trong hầu hết những cuộc thi, ông được xem là vị giám khảo khó tính, có yêu cầu rất cao. Nhân ngày Hiến chương nhà giáo 20/11/2023, Th.S Nguyễn Hữu Nhơn cũng đã nói chuyện trong “Chương trình Tri ân Nhà Sư phạm Chăm sóc Sắc Đẹp 2023”, nhắc đến về vấn đề này, ông cho rằng bản thân không phải là người khó tính, mà là chuẩn mực. Vì vậy, vẻ đẹp của hoa khôi, hoa hậu theo góc nhìn của ông phải hội tụ đủ 5 tiêu chí (tiêu chuẩn) mà ông gói gọn trong cụm từ “BBCMV”.
Đầu tiên, B – Beautiful, chính là nét đẹp của gương mặt, bao gồm sự hài hòa, thanh tú của ngũ quan, nụ cười tỏa nắng với một hàm răng trắng đều, đôi má hồng tự nhiên và mái tóc mượt mà óng ả (gọi chung là Mỹ học). Nếu có thêm Nhân tướng học nữa thì nét đẹp sẽ càng thêm phong phú, hoàn mỹ.
Thứ hai, B – Body là dáng vóc, phải có được sự cân đối giữa chiều dài lưng với bờ vai vòng eo và đôi chân, số đo 3 vòng phải tương đối phù hợp với hình thể. Tướng đi, đứng cần phải tự nhiên, thanh tao, nhẹ nhàng, uyển chuyển và thần thái, không quá xàng, lắc.
Thứ ba, C – Connaissance general là kiến thức tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội…v.v. Tri thức vốn dĩ là sức mạnh, là chìa khóa mang lại sự thành công, nên dù là nam hay nữ, Hoa hậu hay Nam vương đều cần phải có một nền tảng kiến thức tốt để có tự lực cánh sinh, trước tiên là ổn định cuộc sống bản thân mình, sau đó là để giúp ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Người xứng đáng được vinh danh hoa hậu phải có trình độ học vấn tối thiểu là Tú tài trở lên. Và dĩ nhiên, họ phải chịu khó học tập rèn luyện ở nhiều phương diện, lĩnh vực để nâng chính mình lên ngang tầm với trình độ dân trí xã hội ngày nay và nền văn minh hiện đại, nhưng vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ tư, M – Moral là đạo đức. Đạo đức là thứ mà bất kỳ ai sống trên đời cũng cần có và nên có. Huống hồ là những người đội chiếc vương miện đại diện cho sắc đẹp thì đạo đức càng phải tròn đầy. Đạo đức mà ông nhắc đến chính là vẻ đẹp tâm hồn, là luân thường đạo lý. Ông cha ta từng nói: “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Cho nên đã là con người thì phải hướng về nguồn cội, hướng về quê hương đất nước và tổ tiên ông bà. Trong cộng đồng xã hội, đặc biệt là trong gia đình cũng cần được khôi phục và giữ gìn Ngũ đức “Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín” mà người xưa để lại.
Thứ năm, V – Voice là giọng nói, thanh âm từ tiếng nói. Làm người, một khi mở miệng ra là phải như nở bông nở hoa, như nhả ngọc phun châu, khiến cho người thương kẻ mến. Ví như những câu thơ dân gian đã lưu truyền: “Chim khôn hót tiếng rảnh rang/ Người khôn ăn nói dịu dàng dễ thương”, “Dẫu cho thịt nát xương tan/Miễn sao nghe được tiếng oanh vàng mà thôi”; như lời một bài thơ dạt dào cảm xúc: “Tiếng hát (nói) ai như nước ngọc tuyền/ Êm như gió thoảng thẳng cung Tiên/ Cao như thông vút, hiền như liễu/ Gió lặng mây ngừng ta đứng yên”; hay ca từ trong một khúc nhạc: “… Chưa có nghe giọng hát (nói) mà đem lòng yêu thương”.
Chia sẻ về 5 tiêu chí tương ứng với cụm từ BBCMV mà ông đã chắt lọc và đúc kết, ngoài việc lý giải cho sự chuẩn mực của mình, Th.S Nguyễn Hữu Nhơn còn ngõ ý mong ban giám khảo các cuộc thi sắc đẹp, từ Hoa hậu Quốc gia, Hoa hậu Doanh nhân, Hoa hậu Nhân ái, đến Hoa khôi Sinh viên, Hoa khôi Học đường…vv (dù dành cho nam hay nữ) tham khảo, cân nhắc làm tiêu chuẩn chung khi lựa chọn và phổ biến chúng đến tất cả các thí sinh tham dự. Trên cơ sở đó, chọn ra người thực sự xứng đáng.
Có thể nói, sự hòa quyện hài hòa giữa yếu tố đời và đạo, giữa tâm hồn nghệ sĩ và bản lĩnh cứng cỏi chốn thương trường, giữa ước mơ làm giàu chính đáng và khát vọng cống hiến không ngừng nghỉ cho xã hội, nhân sinh… đã làm nên một phiên bản Nguyễn Hữu Nhơn vô cùng đặc biệt. Đúng như câu nói của Sukhomlynsky – Nhà giáo dục nhân văn người Ukraina: “Con người ta sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác”, Th.S Nguyễn Hữu Nhơn sinh ra là để lưu lại một hình tượng đẹp trong tim người.
Hơn nửa thế kỷ cống hiến hết mình cho Dân tộc và Tổ quốc, cho Tôn giáo nội sinh trong lòng người Việt Nam, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, Th.S Nguyễn Hữu Nhơn nhiều lần vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, TW Hội Khuyến học Việt Nam, TW Hội CTĐ Việt Nam, UBND TP.HCM, các cơ quan đơn vị và các cấp chính quyền trao tặng bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, danh hiệu, bảng vàng vinh danh “Người tốt, việc tốt”. Đặc biệt, tháng 8/2023, ông vinh dự được UBMTTQVN TP. HCM cho đi thăm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, và tháng 10/2023 ông được đón nhận Kỷ niệm chương của Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam trao tặng.